Lời tác giả
Đầu năm 2023, ChatGPT chính thức ra mắt cộng đồng. Tôi còn nhớ khi đó, mọi người sôi nổi bàn tán về một cỗ máy biết suy nghĩ và có thể trò chuyện với chúng ta như một con người. Vào thời điểm đó, ChatGPT chưa mở quyền sử dụng cho người dùng Việt Nam, nhưng nhiều người cũng cố gắng tạo bằng được một tài khoản để thử trò chuyện với nó. (Trong số đó có cả tôi!). Thú thực là dù đã nhiều lần nghe về Trí tuệ nhân tạo (AI) trước đó, nhưng phải đến khi thử dùng ChatGPT, tôi mới thực sự hình dung được AI là gì, và vì sao người ta vẫn nói rằng nó sẽ mang lại những bước tiến lớn lẫn những đe dọa cho tương lai con người.
Thế nhưng, “cơn sốt” này kéo dài không được bao lâu. Chỉ vài tuần sau, ChatGPT dần “hạ nhiệt” khi nhiều người đã chán việc dùng nó để kể chuyện cười, hoặc để trêu đùa “Vợ tôi bảo 1+1 = 3. Vợ tôi luôn đúng, vậy lần này vợ tôi bảo vây là đúng hay sai?”. Tôi có thử làm một cuộc khảo sát sau đó để xem có bao nhiêu người vẫn tiếp tục dùng ChatGPT hay một AI nào đó cho công việc thường ngày của mình thì số lượng giảm đáng kể. Với nhiều người, AI có vẽ vẫn chỉ là một phân cảnh trong một bộ phim viễn tưởng nào đó về tương lai.
Thế nhưng vào giữa năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố báo cáo “Future of Jobs” (Tương lai Công việc), trong đó cho thấy AI và Công nghệ Máy học (AI and Machine Learning) dẫn đầu các công việc tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu. Báo cáo này cũng cho thấy một lượng đáng kể các công việc truyền thống đã và đang dần bị thay thế bởi AI như thế nào. Cũng chính từ báo cáo này, có một chi tiết khiến tôi lưu tâm: Trong khi các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines… đều xếp AI và Big Data là ưu tiên hàng đầu để đào tạo và tái đào tạo lực lượng lao động; chủ đề này lại xếp gần chót bảng trong mối quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tự hỏi, phải chăng là do nền kinh tế chúng ta còn chưa đủ sẵn sàng cho AI, hay là do chúng ta chậm nhận ra mức độ cấp thiết của việc bắt kịp làn sóng mới này?
Câu hỏi ấy tiếp tục đeo bám tôi nhiều tháng sau đó. Vì là một người làm giáo dục, tôi có thể hình dung được tương lai học sinh mình có thể bị ảnh hưởng sâu sắc ra sao bởi sự nhanh hay chậm của quốc gia trước những bước chuyển lớn của thời đại như thế này. Liệu thế hệ trẻ của chúng ta sẽ càng bị bỏ lại xa hơn bởi các nước giàu mạnh vốn đã sẵn có nhiều lợi thế về mức độ tiếp cận với công nghệ hay kỹ năng của lực lượng lao động, nay lại “đón sóng AI” kịp thời hơn ta? Hay làn sóng mới này sẽ mang đến cơ hội chưa từng có cho những người trẻ Việt Nam vốn có thế mạnh ở sự linh hoạt, khả năng xoay xở, khả năng “nhảy cóc” qua khỏi một số bước đi truyền thống; để tìm thấy chỗ đứng mới của mình trên bản đồ thế giới?
Rồi tôi tự hỏi, những người làm giáo dục như tôi có thể đóng góp được gì cho bức tranh tương lai ấy? Vì nhà tư tưởng Gandhi từng nói: “Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này!”. Thú thực, tôi chỉ là một nhà giáo bình thường chứ không phải là người hiểu quá sâu về công nghệ hay rành rọt về AI, nên động lực để hoàn thành cuốn sách này chỉ trở nên mạnh mẽ mãi khi tôi tình cờ đọc được bản danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất về AI năm 2023 do tạp chí TIME bình chọn. Điều đã tiếp cho tôi sự tự tin để viết cuốn sách này, chính là việc tôi nhận ra trong danh sách ấy không chỉ có những tên tuổi lớn về công nghệ, mà còn có cả những nhà văn, những nghệ sĩ đã dùng chính công việc của mình để lan tỏa nhận thức về AI, thúc đẩy sự ứng dụng về AI trong chính lĩnh vực mà họ hoạt động. Trách nhiệm phổ biến về AI cho cộng đồng, có lẽ không chỉ thuộc về những người làm công nghệ!
Nhưng cần nói cho rõ, động lực của tôi không phải là trở thành người ảnh hưởng trong thế giới AI, vì hiểu biết của tôi về AI không vượt quá hiểu biết của một người có quan tâm cao về chủ đề này; nói đơn giản là “biết chút chút thôi”. Nhưng công việc giáo dục của tôi khiến tôi có cơ hội được tiếp xúc hàng ngày với học sinh, giáo viên và cha mẹ của các em. Nhờ vậy, thứ riêng có mà tôi có thể góp vào câu chuyện thúc đẩy AI tại Việt Nam, chính là khả năng diễn giải về AI bằng một ngôn ngữ dễ hiểu với các em học sinh; cũng như phương pháp sư phạm phù hợp để đưa nó vào trong môi trường lớp học, gia đình. Chính vì vậy, cuốn sách được viết với ngôn ngữ trò chuyện với các em học sinh là chủ yếu; đồng thời cũng bao gồm cả những chỉ dẫn thiết yếu không khác gì một giáo án mà thầy cô, cha mẹ có thể dùng để hướng dẫn con em mình bước đầu hiểu về AI. Ngoài một số chương tập trung hẳn cho đề tài AI như Chương I – AI là gì thế nhỉ? Hay Chương III – Phiêu lưu cùng ChatGPT; phần lớn nội dung của cuốn sách này là để giới thiệu đến các em học sinh những thử nghiệm AI dưới hình thức những trò chơi vui nhộn, và qua đó giúp các em thấy công nghệ có kết nối thế nào đến những lĩnh vực đa dạng của đời sống như khoa học, nghệ thuật, ngôn ngữ…. Những kiến thức, kỹ năng mà các em sẽ được trang bị qua những bài học được thiết kế trong cuốn sách sẽ không chỉ là hiểu biết về công nghệ; mà còn là hiểu biết về tương lai đang đến và lựa chọn của mình trong thế giới đó.
Người viết nào cũng mong cuốn sách mình viết ra được trường tồn với thời gian. Nhưng tôi lại không chút nghi ngờ rằng rất sớm thôi, mình sẽ phải cập nhật lại cuốn sách này và thậm chí là phải cập nhật rất nhiều lần. Bởi từ lúc tôi bắt tay cho cuốn sách đến lúc viết những dòng này, AI đã phát triển như với tốc độ nhanh chóng mặt; đến mức tôi có cảm giác những thử nghiệm AI được giới thiệu trong sách rồi đây sẽ sớm được thay thế bởi những phát kiến mới hơn. Chính vì vậy, tôi mong nhận được sự góp ý, cộng tác từ các chuyên gia có chuyên môn sâu về AI để giúp những người làm giáo dục như tôi có thể kịp cập nhật những đổi mới đó cho học sinh của mình.
Tôi cũng rất mong rằng, việc ra đời của cuốn sách này cũng sẽ là nguồn cảm hứng cho những cuốn sách hay những hoạt động nhằm thúc đẩy AI trong giáo dục và trong các lĩnh vực xã hội khác. Mới đây nhất, tôi tình cờ đọc được một bài viết rất thú vị về một tổ chức thiện nguyện đã ứng dụng AI trong việc thực hiện các dự án nhân đạo của họ. Trong đó, người sáng lập của tổ chức này đã nhắc đến một từ thú vị là “metta-verse”. “Metta-verse” là một cách chơi chữ, trong đó metta là một từ trong tiếng Pali và tiếng Phạn cổ có nghĩa là “từ ái”. Các ông lớn công nghệ đã và đang không ngừng chi những số tiền khổng lồ để xây dựng “metaverse” (vũ trụ ảo), một thế giới mà có người thì háo hức khám phá, có người lại thấy sợ hãi e dè. Tôi nghĩ, thôi thì trong lúc tương lai thế nào còn chưa rõ, điều mà mỗi chúng ta đều có thể làm ở hiện tại chính là kiến tạo “metta-verse” của riêng mình. “Metta-verse” nghĩa là một thế giới mà ở đó con người kết nối, chăm lo cho con người. Ví dụ, với những người làm giáo dục, thì “metta-verse” chính là làm sao để học sinh chúng ta vẫn giữ được những năng lực riêng có của con người như lòng trắc ẩn, tư duy phản biện, năng lực minh định cái gì là đúng là sai…, trong thế giới mà máy móc đang xâm lấn dần đời sống thường ngày của chúng ta.
Hy vọng rằng, cuốn sách này sẽ góp được một phần nhỏ nhoi vào mục tiêu ấy. Cảm ơn em Thảo Phan đã đỡ đần cho tôi nhiều việc tỉ mỉ trong thời gian viết sách. Khi viết, tôi cũng nghĩ nhiều về con gái tôi, vì chính sự háo hức của con với công nghệ đã cho tôi thêm nhiều cảm hứng trong quá trình viết cuốn sách. Mong rằng con và nhiều bạn nhỏ khác sẽ khám phá AI thật vui từ những trang sách này.
Sài Gòn, ngày 17 tháng 11 năm 2023
NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG