Có lần một em học sinh kể lớp em "cải biên" một bài thơ trong sách giáo khoa thành: "Đau khổ thay là ở…trong trường/ Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực/ Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức/ Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu".
Chừng nào mà với học sinh, cuộc sống ngoài cánh cổng trường mới là vui sướng thì chừng đó chưa có lớp học hạnh phúc.
Chuyên gia giáo dục NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG - đại diện tại Việt Nam của Design for Change - một trong những phong trào trẻ em lớn nhất thế giới, bắt đầu câu chuyện về lớp học hạnh phúc như vậy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Uyên Phương nói:
"Tôi cho rằng, một lớp học hạnh phúc phải là nơi học sinh vui thích khi đi đến mỗi ngày và cảm thấy đó là thế giới mà mình thuộc về, là nơi mình có thể tin cậy và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh cho những vấn đề của cuộc sống.
Chúng ta thường xem nhà trường là nơi dạy cho học sinh những kiến thức cần thiết để thành công, tất nhiên điều đó cũng quan trọng, nhưng nếu chỉ chăm chăm mỗi chức năng đó thì trường học sẽ chẳng khác gì một cái "lò luyện thành tích".
Ở các nền giáo dục tiến bộ, từ lâu người ta đã không còn xem điểm số là thước đo quan trọng nhất.
Thay vào đó, họ chú trọng đo lường một chỉ số gọi là "student wellbeing" - tức là học sinh có thấy mình sống một đời sống lành mạnh, hạnh phúc, ý nghĩa khi ở trường không; bởi lẽ trẻ con bây giờ ở trường có khi còn nhiều hơn ở nhà!
- UNESCO đã đưa ra một mô hình Trường học Hạnh phúc xoay quanh 3 chữ P.
Chữ P đầu tiên là People (Con người), tức để có một trường học hạnh phúc thì cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người với người, đặc biệt là ở giáo viên.
Những hành động trừng phạt học trò bằng cách uống nước giẻ lau bảng, bắt chịu tát tập thể… là tuyệt đối không thể bao biện được với bất kỳ lý lẽ nào, bởi lẽ nó đã xâm phạm đến quyền con người của các em.
Chữ P thữ hai là Process (Hệ thống), tức các quy trình, chính sách, hoạt động… được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy có hợp lý hay không.
Thật khó để học trò hạnh phúc khi mà ngày ngày các em phải đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ, thời gian chơi đùa gần như chẳng có.
Cũng như thật khó để giáo viên kiến tạo lớp học hạnh phúc cho học trò của mình với một chương trình quá tải, áp lực thành tích đè nặng trên vai, các công cụ hỗ trợ thì ít ỏi mà đồng lương thì bèo bọt.
Chữ P thứ ba là Place (Môi trường), tức những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với học sinh.
Nhà vệ sinh bẩn, bạo lực và những tệ nạn xã hội khác xâm nhập học đường…là những vấn đề nhức nhối mà các nhà quản lý giáo dục không thể thờ ơ.
- Chúng ta thường cho rằng chỉ khi nào đủ ăn đủ mặc thì mới có điều kiện mà bàn đến hai chữ "hạnh phúc".
Nhưng từ cách đây hơn 70 năm, đã có những nhà tiên phong đưa những quan điểm giáo dục trẻ tiến bộ về Việt Nam và cụ Vĩnh Bang - một trong những nhà tiên phong ấy đã viết những dòng hết sức nhân văn về công việc của nhà trường thế này:
"Nhà trường nhận trẻ nhà giàu cũng như trẻ nhà nghèo, những trẻ khỏe mạnh cứng cáp cũng như những trẻ ốm yếu, những trẻ sạch sẽ, nhanh nhẹn, thông minh cũng như những em đầy di truyền tai hại, những trẻ đã chịu cuộc đời khổ sở, mất cả lòng tin...
Nhưng bất luận trẻ nào, nhà trường cũng cố làm cho trẻ tập cuộc sống hợp đoàn, cố hiểu để trọng luật chung, chú ý đến công việc, gắng sức làm cho khéo đẹp với tất cả thông minh, nhẫn nại, bền bỉ và vui vẻ".
Phát hiện này khiến chúng tôi vừa vui mà lại vừa buồn. Vui vì những hạt mầm tích cực của giáo dục đã được gieo trồng xuống từ rất sớm.
Buồn vì 70 năm đã trôi đi, giáo dục cũng bao lần đổi mới rồi, mà những vấn đề của hôm qua dường như vẫn còn đó.
- Nguyên nhân lớn nhất mà chúng ta không xa lạ gì và cũng đã bàn luận nhiều, chính là "bệnh thành tích". Tôi muốn bổ sung thêm một khía cạnh khác: đó là muốn có học trò hạnh phúc thì trước hết, phải có những giáo viên hạnh phúc.
Những sự việc gần đây khiến xã hội mất lòng tin và có nhiều định kiến tiêu cực về người thầy, nhưng thật sự là môi trường giáo dục hiện nay khiến người giáo viên phải hết sức vất vả thì mới có thể làm tốt được việc của mình.
Một khi người thầy còn chật vật với hạnh phúc của chính mình thì họ còn bao nhiêu thời gian để quan tâm đến hạnh phúc của người trò?
- Tôi nhận thấy giáo viên của chúng ta cực kỳ cần năng lực làm chủ bản thân, cụ thể hơn là làm chủ cảm xúc. Giáo viên nào cũng là những con người bình thường với đầy đủ hỉ nộ ái ố.
Giáo viên nào cũng từng có những khoảnh khắc cảm thấy mất kiên nhẫn, mất bình tĩnh trước những sai lỗi của học trò, những áp lực của nghề, của cuộc sống.
Tôi từng đọc đi đọc lại bài phỏng vấn cô "bảo mẫu" Thiên Lý sau 4 năm kể từ ngày xảy ra vụ hành hạ trẻ em ở trường mầm non mà cô ấy là một "thủ phạm".
Trong bài viết, cô ấy tâm sự rằng khi xem lại chính mình trong đoạn clip, cô ấy cũng không hiểu vì sao mình lại như vậy.
Tôi tin rằng cô ấy nói thật, bởi lẽ tôi cũng từng chứng kiến những giáo viên bình thường thì cực kỳ hiền lành mà chỉ trong vài ba khoảnh khắc nóng giận bỗng thành một người khác.
Giáo viên giữ được mình hay không trong những thời điểm có tính thử thách ấy, chính là ở khả năng làm chủ cảm xúc và chọn cách phù hợp để giải tỏa cảm xúc của mình chứ không trút hết lên đầu học sinh của mình.
Tôi vẫn thường nói với các thầy cô: "Trước khi bước vào lớp, hãy hít thở và để những cảm xúc, vấn đề riêng của mình ở lại bên ngoài".
Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương đang trò chuyện cùng phụ huynh tại trường TOMATO - Ảnh: NHƯ HÙNG
- Việc giáo dục trẻ không thể chỉ là trách nhiệm của của riêng nhà trường, bởi trẻ đâu chỉ học mỗi từ trường hay từ thầy cô giáo.
Không thể có những đứa trẻ hạnh phúc khi phụ huynh phó mặc con cho trường, hoặc xem thầy cô như một công cụ thay mình giám sát con, thực thi những kỳ vọng của mình với con không hơn không kém.
Cũng có nhiều phụ huynh nói với tôi rằng trước những vấn đề giáo dục hiện nay, họ cảm thấy bất lực không biết phải làm gì dù rất muốn tham gia.
Tôi nghĩ, cách đơn giản nhất để tham gia vào giáo dục mà mỗi chúng ta đều có thể làm là hãy lan tỏa đi trong xã hội những hành động tử tế của bản thân và của người khác.
Vì một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên hạnh phúc là cảm nhận thấy điều tử tế quanh ta.
Nếu môi trường giáo dục đã có quá nhiều vấn đề khiến con trẻ mất dần niềm tin vào những điều tử tế mà khi nhìn về gia đình hay nhìn ra cộng đồng cũng không thấy tia sáng nào, thì các em còn biết tìm kiếm hạnh phúc ở đâu?
Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương đang cùng phụ huynh chia sẻ cách dạy dỗ trẻ trong một buổi hội thảo tại trường TOMATO - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nội dung: NHẬT HUY
Hình ảnh, video: NHƯ HÙNG
Thiết kế: KIỀU NHI
Concept: BẢO SUZU
Comments