Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương: “Cần phóng chiếu tầm mắt ra khỏi câu chuyện giáo dục”
- Nhi Hồ Thị Yến
- 17 thg 5
- 11 phút đọc
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, một chuyên gia hàng đầu về thành lập và điều hành trường học, đã có những chia sẻ sâu sắc về hành trình xây dựng các mô hình giáo dục đổi mới tại Việt Nam
Nguyễn Thúy Uyên Phương là nhà giáo dục, chuyên gia tư vấn hàng đầu trong việc thành lập, điều hành trường học, tạo nhân sự trong ngành giáo dục, chị đã thành lập và vận hành nhiều mô hình, dự án giáo dục đổi mới nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy giáo dục tiến bộ tại Việt Nam.
Không chỉ đưa về Việt Nam mô hình Trường học Kiến tạo (I Can School) - mô hình dành giải thưởng Trường học Sáng tạo nhất thế giới năm 2023 do World’s Best School Prizes trao tặng, Uyên Phương còn đại diện cho các chương trình PET (Cha mẹ Hiệu quả), TET (Giáo viên Hiệu quả), và YET (Thanh thiếu niên Hiệu quả) tại Việt Nam, là những chương trình giáo dục hàng đầu thế giới do Tiến sĩ Thomas Gordon - nhân vật được 3 lần đề cử Nobel hòa bình sáng lập. Chị đưa Việt Nam gia nhập “Design for Change” - phong trào trẻ em lớn nhất thế giới, nơi trẻ em được trao quyền để tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng và trở thành những công dân có ích. Các tổ chức giáo dục mà chị tham gia sáng lập và dẫn dắt gồm: Hệ thống Trường mầm non và ngoại khóa TOMATO (Người sáng lập và điều hành), Hệ thống trường song ngữ liên cấp ICS (Đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Trường), FAROS Education & Consulting (Người sáng lập và Chuyên gia Tư vấn trưởng).

Uyên Phương hiện là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, một trong những đại học công lập hàng đầu nước Mỹ thuộc nhóm “Research 1” (có chất lượng nghiên cứu xuất sắc nhất), chuyên ngành Learning Design and Leadership (Thiết kế và Lãnh đạo Học tập) với trọng tâm nghiên cứu là New Learning (nghiên cứu về thay đổi của giáo dục dưới thời đại công nghệ và những phương thức học tập mới trong thời đại này).
Năm 2024 Uyên Phương xuất bản sách “Xin chào AI! Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo” và khởi xướng Chương trình Trí tuệ Nhân tạo cho Giáo dục Việt Nam (Vietnam AI for Education Program - VAIEP) để thúc đẩy việc ứng dụng AI trong đổi mới dạy và học; từng đồng chủ trì dự án “Giáo dục Mới và những nhà tiên phong tại Việt Nam” cùng TS Nguyễn Thụy Phương phối hợp với Đại học Geneva (Thụy Sĩ) năm 2017-2018; được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cơ quan hợp tác quốc tế của chính phủ Đức (GIZ) trao học bổng và được chọn tham gia chương trình Young World Founders của Quỹ Westerwelle (Đức); diễn giả tại một số hội nghị quốc tế, bao gồm Hội nghị Hiệu trưởng Á-Âu lần thứ 3 tại Groningen, Hà Lan (2012).
Dẫn dắt một số dự án giáo dục phi lợi nhuận, chị lập và điều hành sáng kiến Help A Teacher (HAT) nhằm hỗ trợ tài chính cho các giáo viên mầm non tư thục gặp khó khăn do trường đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Uyên Phương còn là một cây viết, người chia sẻ trong các đề tài giáo dục xã hội, đã xuất bản nhiều bài viết, bài báo về các chủ đề giáo dục trên các kênh báo chính thống, mạng xã hội và kênh Podcast Education is Life do chính chị chủ trì. Ngoài dịch thuật các sách giáo dục và lãnh đạo như “Montessori Ngày nay” và “4 Nguyên tắc Thực thi”, chị còn đóng vai trò biên tập chủ chốt trong việc xuất bản các cuốn sách như “Đúng việc” và “7 Thói Quen Hiệu Quả”.
“May mắn thay, tuổi thơ tôi được chứng kiến những con người dám làm điều khác lẽ thường”
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước nội lực mà Uyên Phương có được. Kinh nghiệm chuyên môn dày dặn cùng sự chân thành và tư duy sắc bén nơi chị đã góp phần kiến tạo những giá trị mới trong lĩnh vực giáo dục, quản lý giáo dục tại Việt Nam.
Nền tảng ấy được bồi đắp từng ngày từ mẹ - người cho chị niềm tự hào về mẫu phụ nữ sáng tạo, dám làm những điều khác biệt. Là một giáo viên dạy văn, bà bình giảng văn học vô cùng say mê cuốn hút học trò; những việc bà làm như viết sách, viết báo, dạy học… truyền động lực lớn lên chị, đặc biệt là cách bà đương đầu với các vấn đề. Được nuôi dưỡng trong vòng giao thiệp của cha mẹ chủ yếu trong ngành giáo dục, nghệ thuật, di sản, chị tự thấy mình có được nhiều trải nghiệm thú vị. “May mắn thay, tuổi thơ tôi được gặp gỡ và chứng kiến những con người dám làm những điều khác với lẽ thường!”. Thuở nhỏ được thấy những người lặng lẽ dành nhiều năm tháng để bảo tồn kiến trúc Mỹ Sơn và di sản Hội An từ khi đó còn là những công trình chẳng mấy ai biết tới, thấy những người miệt mài bên con chữ hay những công việc, cống hiến lặng thầm khác... với cô bé Uyên Phương đó là những điều lớn lao, cô chợt nhận ra: ai trong chúng ta cũng có những mối lo chung, chuyện áo cơm thường cuốn ta vào guồng quay bất tận, dễ quên đi những mộng ước phi thường.
Là đứa trẻ ít nói chỉ thích ở trong thế giới của mình, Phương được coi là nhút nhát, không lanh lẹ hoạt bát như những trẻ có trí thông minh xã hội khác trong mắt mọi người. Nhưng ông nội, một người trong dòng họ lâu đời miền Trung đậm nét phong kiến đã dành cho cô cháu nhỏ thứ tình cảm đặc biệt bao dung. “Phương không nhát, Phương chỉ khác”. Sự kiên nhẫn và lòng tin nơi ông đã theo suốt chị những năm tháng sau này, dù chị không thuộc hình mẫu chung; tới phổ thông thì chị mạnh dạn tin vào tố chất lãnh đạo của mình. “Nếu không có niềm tin khác lẽ thường từ ông, tôi mãi là một đứa trẻ nhút nhát.” - Uyên Phương chia sẻ.
“Cứ vá víu một người lớn, thật mệt”
Tự nhận mình không định những hoài vọng quá lớn cho bản thân, Uyên Phương khiêm tốn: chỉ biết có những điều nhỏ bé đã ấp ủ từ rất lâu trong lòng. Sau tốt nghiệp đại học chị được điều phối hai dự án thú vị: Giải thưởng Sách Hay thành lập bởi các trí thức hàng đầu và dự án nuôi dưỡng các tài năng lãnh đạo do những doanh nhân xuất sắc lúc bấy giờ tạo lập, sau đó chị được gặp gỡ những người có tư duy đổi mới, được truyền cảm hứng mạnh mẽ khi học và làm việc cùng họ. Lựa chọn theo học bổng của bộ ngoại giao Mỹ cho chương trình trao đổi chuyên gia giáo dục khi đang quản lý một học viện lãnh đạo doanh nhân, chị hiểu mình thực sự thuộc về điều gì.

Quá trình làm việc khiến chị nhận ra “Có quá nhiều vấn đề ở người lớn không thể sửa được nữa, dù chương trình có tốt đến cỡ nào. Cứ vá víu một người lớn, thật mệt!”, điều đó thôi thúc mạnh mẽ chị quay về với giáo dục phổ thông và trẻ em. Khi chia sẻ mong muốn tìm kiếm các mô hình giáo dục cho trẻ nhỏ với giáo sư hướng dẫn, chị được thầy giới thiệu với rất nhiều chuyên gia đang làm các chương trình giáo dục trẻ em ở các nước đang phát triển; càng hữu duyên hơn khi được biết thầy đang làm dự án giáo dục trên chính quê hương chị, với những cộng sự của ông nội chị trong chính quyền Quảng Nam trước đây. Lời mời học tiếp tiến sĩ giáo dục và nghiên cứu cho một trường Đại học tại Mỹ khi đó lại đặt chị giữa các lựa chọn. Chọn trở về. Ngày trở về, các vali rất to đầy ắp giáo trình cho trẻ em, đầy ắp những mong mỏi thiết tha trong chị.
Ngón tay chỉ trăng
Mười lăm năm trước Việt Nam hầu như chưa có các mô hình trường học sáng tạo, Uyên Phương bắt đầu hành trình khi trở về với vài phương pháp nổi tiếng trước. Dịch sách về loạt các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử giáo dục trẻ em như Maria Montessori, Reggio Emillia... giúp chị tường minh giá trị nội hàm đằng sau các khái niệm giáo dục, hiểu hành trình du nhập vào Châu Á của các phương pháp thuộc Giáo dục tiến bộ (Progressive Education)*. Sau một quá trình dài tìm hiểu và thực chứng, chị nhận thức rằng: Các phương pháp có thể khác nhau về hình thái biểu hiện nhưng đều được xây dựng trên hệ giá trị chung, những triết lý giáo dục vô cùng sâu sắc và phổ quát. Có phương pháp thiên về tư duy, phương pháp thiên về khoa học, phương pháp thiên về nghệ thuật… không có điều đúng sai, chỉ có các con đường khác nhau. Không có phương pháp nào là toàn vẹn, các phương pháp cùng hướng đến sự toàn vẹn của con người.
*Progressive: Phong trào sư phạm bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, tồn tại dưới nhiều hình thức cho đến nay

Ứng dụng phương pháp giáo dục nào cũng cần đặt nó vào bối cảnh, mục đích hiện tại mới làm nó thực sự sống. Chúng ta theo đuổi những giá trị của con người và những giá trị nền tảng của giáo dục, có nhiều cách khác nhau để đạt được điều đó, chúng không đối lập nhau mà là những mặt khác nhau của đời sống. Khi gây dựng một con người, họ cần có cơ hội để hiểu và khám phá mình ở cách khía cạnh khác nhau. Con người mới là sợi chỉ đỏ, đứa trẻ trước mặt mới là giáo án.
Cảm thức cội rễ
Tâm huyết và tiên phong ứng dụng các phương pháp, mô hình giáo dục mới tại Việt Nam, Uyên Phương cho rằng quan trọng nhất của giáo dục trong thời đại này là bồi đắp cảm thức gốc rễ cho học sinh.

Thế giới phẳng càng khiến nhiều người – nhất là các bạn đã và đang du học phải vật lộn trong sự lạc lõng chênh vênh của cảm xúc, mắc kẹt giữa các thế giới khi không tìm thấy bản thể hay những kết nối sâu sắc. Đáng buồn là giáo dục hiện nay ít nhìn thấy những giá trị vô hình đó, đứa trẻ bị vào cuộc đua của điểm số, thi cử, thành tích, những cuộc đua liên thế hệ tạo ra những đứa trẻ lạc lõng cô đơn, dù đầy đủ bằng cấp trong tay nhưng không biết mình thuộc về nơi nào, bơ vơ trong tâm tưởng. “Giáo dục Việt Nam đúng là có nhiều khiếm khuyết nhưng không đến nỗi tệ, chỉ có định kiến trong tư tuy của chúng ta thì tệ. Định kiến về phong kiến, lễ giáo, ý chí vượt thoát khiến ta quên mất những thế mạnh của giáo dục Á Châu. Khi văn hóa xứ sở vẫn chảy tràn trong mình, là điều khiến mình trở nên khác biệt và đẹp đẽ hơn, một con người chỉ khẳng định được giá trị khi có bản sắc riêng trong hành trình tìm kiếm Tôi là ai. Những điều tưởng mới hóa ra lại là cũ, quay về với nền tảng căn bản là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng mình tốt hơn.”
Năng lực tự vấn và học tập suốt đời
Trước khi xây dựng các mô hình giáo dục đổi mới, Uyên Phương thường dành rất nhiều thời gian tâm sức để quan sát; chỉ khi tường minh các vấn đề, cảm thấy phù hợp với bản thân và cộng đồng thì mới bắt đầu làm. Với chị, sự tự vấn, năng lực đặt câu hỏi và thường xuyên tra xét giúp ích cho sự mở mang tri thức và sự tự cân bằng giữa truyền thống, hiện đại.

Chị chia sẻ: Sự rập khuôn từ các nền văn hóa khác mang lại những hệ lụy và bài học sâu sắc, và rồi ta có những thế hệ phụ huynh “ba rọi”, nửa nạc nửa mỡ, dễ dãi tùy tiện, bởi hiểu sai, ứng dụng sai cách, thiếu nhất quán. Ví dụ chủ nghĩa cá nhân, con người cá nhân của nền văn hóa tây phương thúc đẩy đứa trẻ rất mạnh còn văn hóa Á Châu tính cộng đồng vẫn còn rất sâu sắc trong nguồn cội và tâm tưởng, lối giáo dục hà khắc bao thế hệ, làm sao để hài hòa? Sự thiếu nhất quán từ người lớn đẩy đứa trẻ về phía những mâu thuẫn, những thái cực của tự do và kỷ luật khiến đứa trẻ bối rối. Ta cần tự vấn mình đang làm gì, mong muốn gì, gìn giữ những điều gì. Cái giá của các phép thử trong y tế và giáo dục rất đắt, đổi bằng cả mạng sống và tâm hồn của con người. Chỉ năng lực tự vấn và sự mở mang, thích nghi không ngừng nghỉ, con người mới thấu suốt hành động và tư duy, có nền tảng mạnh hơn trong thế giới.
Phóng chiếu tầm nhìn trong kỷ nguyên biến động
Không đơn thuần là một trong những vòng lặp công nghệ, con người đang sống ở kỷ nguyên thách thức chưa từng có trong lịch sử với sự xuất hiện của AI, trí tuệ nhân tạo. Chưa có gì đe dọa vị trí dẫn đầu của loài người đến thế! AI lập trình tốt hơn giáo sư bậc cao của Microsoft, là chuyên gia trong các lĩnh vực từ lượng tử tới nghệ thuật, AI tư vấn tâm lý, trở thành bạn tâm giao trong sự hiểu biết và lắng nghe con người mọi lúc mọi nơi… AI thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi cách tiếp cận của con người với các luồng thông tin, tác động sâu sắc ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. AI ảnh hưởng xã hội toàn cục, đảo lộn trật tự thế giới, thách thức trí tuệ lẫn nhân tính của loài người. Con người ngày càng trao niềm tin và các quyết định trong cuộc đời mình cho những chỉ dẫn, định lượng, những thuật toán. AI càng trở nên thông minh, sức mạnh của con người ngày càng suy yếu.
“Theo tôi, vai trò của giáo dục trước hết là phải thành người cái đã! Thách thức của giáo dục bây giờ là làm sao để làm việc chung, làm việc hiệu quả với một cái máy, nhưng vẫn phải là một con người, thế mới khó. Mục đích là thúc đẩy những đổi mới trong giáo dục mà giáo dục vốn cần phải có, thích ứng và đồng hành cùng thời đại AI; mục tiêu chính là một mặt dạy cho trẻ cách làm chủ AI, một mặt phải dạy cách bảo vệ giá trị nhân văn của con người.Trí tuệ nhân tạo phải được bao bọc dưới vòm cây nhân tính ấy.”
Uyên Phương sáng lập và điều hành VAIEP (Vietnam AI for Education Program), dự án thắng Giải sáng kiến đổi mới giáo dục của Bộ ngoại giao Hoa kỳ 2024, một dự án phi lợi nhuận nhằm góp phần thúc đẩy giáo dục Việt Nam bắt kịp những thay đổi do thời đại AI mang lại thông qua việc phổ biến các phương pháp dạy học mới dựa trên trí tuệ nhân tạo. Hiện chị vẫn tiếp tục học tiến sĩ ngành New Learning nhằm nghiên cứu lại về con người, cách tư duy, cách học và phát triển bản thân trong kỷ nguyên mới. “Điều cấp thiết nhất cho các lãnh đạo giáo dục là cần phóng chiếu tầm mắt của mình ra khỏi câu chuyện giáo dục để hiểu và trăn trở hơn câu chuyện của thời đại, xã hội .”
Theo Kyara
Comentários